Một số trường hợp cần lập vi bằng chờ tại Văn phòng công chứng
Giao dịch bất động sản và động sản đang diễn ra sôi nổi như hiện nay sẽ không tránh khỏi những rủi ro, tranh chấp giữa bên bán, bên mua hoặc bên thứ ba liên quan. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra vài trường hợp nên mời Thừa phát lại lập vi bằng chờ tại văn phòng công chứng để xác lập chứng cứ bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp chuyển nhượng bất động sản hoặc mua bán động sản (Xe ô tô, tàu cá, xe máy, …) các bên đã ký hợp đồng đặt cọc, đã giao tiền đặt cọc và có hẹn một khoảng thời gian để ký hợp đồng mua bán và giao số tiền còn lại nhưng đến thời hạn đã xảy ra nhiều lý do như sau:
1. Bên bán/chuyển nhượng không muốn bán nữa; Giấy chứng nhận đang còn thế chấp tại ngân hàng hoặc lý do nào khác mà người bán không có mặt tại văn phòng công chứng như đã thỏa thuận trước đó thì bên mua có thể yêu cầu Thừa phát lại đến lập vi bằng chứng kiến mình đã có mặt tại văn phòng công chứng nhưng bên bán đã không đến từ đó lập chứng cứ bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu bên bán trả cọc, đền cọc theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
2. Bên mua/nhận chuyển nhượng không muốn mua nữa hoặc vì lý do nào khác mà bên mua không có mặt tại văn phòng công chứng như đã thỏa thuận trước đó. Trường hợp này bên bán có thể yêu cầu Thừa phát lại đến lập vi bằng chứng kiến mình đã có mặt tại văn phòng công chứng nhưng bên mua đã không đến, từ đó lập chứng cứ chứng minh rằng mình đã sẵn sàng muốn bán nhưng bên mua không muốn mua nữa thì bên mua mất số tiền đã cọc.
3. Bên bán và bên mua đều có mặt tại văn phòng công chứng nhưng vì lý do nào đó chưa ký mua bán được, sau đó hai bên thống nhất thỏa thuận ngày khác ký mua bán. Trường hợp này, hai bên có thể yêu cầu Thừa phát lại đến lập vi bằng ghi nhận sự kiện thỏa thuận.
* Giá trị pháp lý vi bằng:
Khoản 3, Điều 36 của Nghị định 08/2020 của Chính phủ quy định:
“Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.”
Vi bằng ghi nhận sự kiện chờ tại văn phòng công chứng giúp Quý khách tạo lập chứng cứ khi có tranh chấp liên quan về tài sản hoặc giao dịch xảy ra liên quan đến quyền lợi hợp pháp của mình, bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vi bằng là nguồn chứng cứ để Toà án xem xét và giải quyết khi tranh chấp đó được yêu cầu giải quyết tại toà.
* Hướng dẫn các bước yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng:
Bước 1: Liên hệ để được tư vấn từ văn phòng Thừa phát lại
Khách hàng có nhu cầu hoặc thắc mắc cần Thừa phát lại tư vấn về vấn đề pháp lý đang gặp phải, Thừa phát lại sẽ giúp quý khách tìm ra những rủi ro và phương án để giảm tối thiểu những rủi ro đó giúp quý khách lập vi bằng phù hợp với nhu cầu pháp lý của mình. Văn phòng sẽ đưa ra mức phí phù hợp nhất dựa theo từng hồ sơ của Quý khách.
Tiếp theo, khách hàng sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ với Văn phòng Thừa phát lại khi các bên đã đồng ý thỏa thuận về phạm vi ghi nhận, thời gian, địa điểm lập vi bằng và chi phí lập vi bằng.
Bước 2: Quá trình lập vi bằng
Đến thời gian các bên thỏa thuận để lập vi bằng, Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ sẽ có mặt tại điểm hẹn để tiến hành lập vi bằng ghi nhận sự kiện theo yêu cầu của khách hàng.
Bước 3: Hẹn trả kết quả vi bằng
Sau khi Thừa phát lại ghi nhận nội dung vi bằng, Văn phòng sẽ cần thời gian không quá 03 ngày làm việc để hoàn thiện nội dung và đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp. Nếu Quý khách đang trong tình huống cấp bách cần đến vi bằng ngay thì hãy trao đổi với Văn phòng để văn phòng cố gắng hoàn thiện sớm hơn để đáp ứng nhu cầu Quý khách hàng một cách tốt nhất.
Mọi thông tin chi tiết, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ đến
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI BÌNH THUẬN
-
Địa chỉ: Số 41 Nguyễn Thông, khu phố 1, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
-
Hotline: (0252) 3 777 666 – 0968 44 6666
-
E-mail: tplbinhthuan@gmail.com
-
Website: congchungthuaphatlai.com hoặc congchungthuaphatlai.vn